Chiều 12/7, NHNN chính thức cho biết, nợ xấu của hệ thống ngân hàng là hơn 202.000 tỷ đồng, chiếm 8,6% tổng dư nợ.
Bài liên quan : << Ngân hàng Habubank xóa nợ thành công >>
Nợ xấu ngân hàng ở mức trên 202.000 tỷ đồng.
Còn nợ xấu theo báo cáo của các tổ chức tín dụng là hơn 117.000 tỷ đồng, chiếm 4,47% so với tổng dư nợ. Tại cuộc họp báo chiều 12/7, Quyền Chánh thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết: Tính đến 31/3/2012, nợ xấu là hơn 202.000 tỷ đồng, chiếm 8,6% tổng dư nợ.Trong khi đó, tính đến ngày 31/5/2012, nợ xấu theo báo cáo của các tổ chức tín dụng (TCTD) là hơn 117.000 tỷ đồng, chiếm 4,47% so với tổng dư nợ.
Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, nguyên nhân nợ xấu theo kết quả giám sát cao hơn nợ xấu theo báo cáo của các TCTD tại thời điểm tháng 3/2012 là do: Các tiêu chí xác định nợ xấu theo quy định hiện hành có bao gồm tiêu chí định lượng (như: thời gian quá hạn, số lần cơ cấu lại thời hạn trả nợ,…) và tiêu chí định tính (chấm điểm, xếp hạng khách hàng, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng). Việc bao gồm các tiêu chí định tính và định lượng trong phân loại nợ là phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, do khoản nợ rủi ro và năng lực quản trị rủi ro của các TCTD là khác nhau, nên việc sử dụng các tiêu chí định tính trong phân loại nợ dễ dẫn đến sự thiếu minh bạch trong xác định và ghi nhận nợ xấu của TCTD.
Ngoài ra, một số TCTD không thực hiện đúng quy định về phân loại nợ, ghi nhận nợ xấu thấp hơn thực trạng và quy định để giảm chi phí trích lập dự phòng rủi ro. Một nguyên nhân nữa là do thiếu thông tin về phân loại nợ của khách hàng tại các TCTD, nên dẫn đến có sự khác nhau về nhóm nợ của 1 khách hàng quan hệ tại nhiều TCTD.
“Do các nguyên nhân trên, nợ xấu do TCTD báo cáo thường thấp hơn nợ xấu theo kết quả giám sát TCTD và còn thấp hơn nữa so với nợ xấu theo kết quả thanh tra tại chỗ của NHNN. Kết quả thanh tra tại chỗ vừa qua đối với một số ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém thuộc diện phải cơ cấu lại cho thấy nợ xấu thực tế của các TCTD cao hơn nhiều số hiện báo cáo của TCTD”, ông Nghĩa nói.
Theo ông Nghĩa, NHNN khi theo dõi nợ của khách hàng dựa vào thông tin khách hàng phân loại nợ vào nhóm có tỷ lệ rủi ro cao nhất. Còn các TCTD khó có thể thực hiện được điều này do không có đầy đủ thông tin về tình hình vay nợ của khách hàng tại các tổ chức tín dụng khác nhau.
Số liệu về nợ xấu mà NHNN cung cấp (hơn 202.000 tỷ đồng) là theo kết quả giám sát của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng đối với gần 1,01 triệu khách hàng vay được chọn mẫu của 57 tổ chức tín dụng Việt Nam chiếm tới 90,1% tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng.
Về thời gian tính nợ xấu mà NHNN đưa ra chỉ mới đến cuối tháng 3, ông Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, theo quyết định của NHNN, các TCTD phải báo cáo định kỳ về nợ xấu, song, hầu hết các TCTD đều nộp báo cáo chậm khoảng 1,5 tháng so với quy định. Bởi vậy, con số nợ xấu do NHNN công bố mới chỉ dừng lại ở những số liệu của 3 tháng đầu năm.
Cũng theo ông Nghĩa, nợ xấu của hệ thống ngân hàng tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như sản xuất, công nghiệp, xây dựng… Trong đó, dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản khoảng 197.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 10,3% tổng tổng nợ xấu của ngân hàng. Giá trị tài sản đảm bảo cho nợ xấu trọng dư nợ bất động sản lên tới 180% dư nợ.
Bên cạnh đó, nợ xấu đối với cho vay lĩnh vực đầu tư chứng khoán khoảng 485 tỷ đồng. Nợ xấu được phân vào nhóm 5, tức là nhóm có mức độ rủi ro cao nhất chiếm 40% tổng nợ xấu, nhưng khoản nợ này đã được các ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro và hầu hết đều có tài sản bảo đảm.
Nợ xấu của hệ thống ngân hàng được cho là cao, nhưng theo ông Nghĩa: So với tổng dư nợ cấp tín dụng cho nền kinh tế Việt Nam, tỷ lệ nợ xấu hiện nay ở mức 4,47% theo báo cáo của TCTD hay 8,6% theo kết quả giám sát vẫn thấp hơn so với tỷ lệ nợ xấu của một số nước trong khu vực tại thời điểm Chính phủ phải đứng ra xử lý nợ xấu. Ví dụ như tại: Hàn Quốc là 17% (tháng 3/1998), Thái Lan 47,7% (tháng 5/1999), Malaysia 11,4% (tháng 9/1998), Indonesia trên 50% (năm 1999).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét