Lãnh đạo một công ty sản xuất bánh kẹo tại khu công nghiệp Tân Tạo, TP HCM cho biết, khoản vay 30 tỷ đồng, lãi suất 18% mà đơn vị ông vay hôm đầu năm 2012 nay đã được ngân hàng điều chỉnh xuống 15%. Theo ông, với mức giảm 3% lãi suất này, doanh nghiệp không chỉ tiết giảm được một khoảng chi phí đáng kể mà quan trọng hơn là tạo ra được tâm lý phấn chấn cho doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.
Ông Trần Anh Vương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty thép Bắc Việt, Phó chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Hà Nội cũng cho hay, tính đến nay, hầu hết các doanh nghiệp trong Hiệp hội đã được ngân hàng cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất khoản vay cũ xuống dưới 15% một năm.
Nhưng theo ông Vương, lãi suất xuống 15% một năm hay thậm chí chỉ còn 5% một năm đi chăng nữa thì với tình hình hiện nay nhiều doanh nghiệp vẫn "chết". Nguyên nhân theo ông không còn là ở phía ngân hàng mà là do doanh nghiệp đã quá khó khăn, hàng không bán được, nợ đọng nhiều.
Tại buổi đối thoại doanh nghiệp ngân hàng tuần trước, ông Vương thẳng thắn đặt vấn đề: "Nếu ngân hàng muốn cứu doanh nghiệp thì nên quyết định ngay, đừng để đến quá muộn".
Đồng quan điểm, Chủ tịch Hội da giày và dệt may Việt Nam, ông Phạm Xuân Hồng cho rằng, hầu hết các thành viên trong hội trước giờ vẫn hoạt động dựa trên vốn tự có là chủ yếu. Một số phải đi vay ngân hàng thì đến giờ đa phần đã được giảm lãi. Nhưng theo ông Hồng, vấn đề lớn hiện nay đối với các doanh nghiệp dệt may không phải là vốn, lãi suất mà là sự tắc nghẽn đầu ra. "Chúng ta phải làm sao tìm đầu ra cho hàng hóa. Đó là vấn đề sống còn của doanh nghiệp lúc này", ông Hồng nói.
Bên cạnh những doanh nghiệp được nhà băng sốt sắng giảm lãi nợ vay cũ về 15% nên lãi suất với họ không còn là vấn đề lớn thì vẫn còn đâu đó những đơn vị phàn nàn bị làm khó dễ. Giám đốc một công ty lắp đặt thiết bị điện - viễn thông tại Hà Nội cho biết, rất khó để yêu cầu các ngân hàng điều chỉnh lãi suất, phần lớn chỉ trông chờ vào khả năng thỏa thuận. Anh lý giải: "Doanh nghiệp - ngân hàng cùng thỏa thuận dựa trên một hợp đồng kinh tế đã có từ trước. Do đó, nếu may mắn thì được giảm lãi suất không cũng đành chịu vì chẳng thể nào bắt ép họ được".
Với các khoản vay mới, mặc dù các ngân hàng rầm rộ tuyên bố các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi, nhưng nhiều doanh nghiệp cho biết hiện vẫn khó tiếp cận vốn vay từ ngân hàng. Tổng giám đốc một công ty địa ốc quy mô vừa tại Hà Nội cho hay tình hình doanh nghiệp bất động sản nhìn chung vẫn còn khó khăn. Chỉ tính riêng tiền giải phóng mặt bằng cũng đã chiếm khoảng 10%, tiền móng chiếm 30-40% chi phí dự án. Trong khi doanh nghiệp không bán được hàng, việc huy động từ dân khó khăn thì lối thoát duy nhất chính là phía ngân hàng.
Thế nhưng, theo vị này, việc tiếp cận vốn vay ngân hàng cũng không dễ bởi ngân hàng vẫn "chắc lép" thủ tục hồ sơ vay. "Nhà băng kiểm tra rất kỹ tính khả thi của dự án nhất là tính thanh khoản. Tuy nhiên trong bối cảnh trầm lắng như hiện nay, việc bán hàng là một thách thức với chủ đầu tư nên chuyện vay ngân hàng lãi suất thấp sẽ không đơn giản", giám đốc công ty này chia sẻ.
Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Cao Sỹ Kiêm thừa nhận việc vay vốn hiện vẫn khó khăn. "Lý do là hàng tồn kho của họ nhiều, chưa bán được và nợ xấu thì còn đấy nên không đáp ứng được tiêu chuẩn vay vốn của ngân hàng", ông Kiêm giải thích.
Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội cũng cho biết mặc dù khoản vay cũ đã được giảm về 15% một năm như "lệnh" của Thống đốc nhưng việc vay vốn hiện không dễ. Nguyên nhân theo ông không phải do ngân hàng đưa ra điều kiện quá cao mà là doanh nghiệp không còn khả năng đáp ứng những điều kiện đó nữa vì tình trạng quá khó khăn.
"Nếu tôi làm giám đốc ngân hàng chắc bản thân cũng không dám cho vay. Nói chung là ngân hàng cũng chẳng thể làm khác được trong bối cảnh này", ông Trần Anh Vương thẳng thắn chia sẻ.
Trong khi đó, nhìn nhận về tiến trình giảm lãi vay khoản nợ cũ xuống 15%, ông Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương (CIEM) cho rằng, việc giám sát "trần" lãi vay 15% một năm với các khoản vay cũ sẽ khác với trần lãi suất huy động. Bởi theo ông Thành, đây chỉ là một kiến nghị, yêu cầu của Thống đốc với các ngân hàng và không có văn bản pháp luật nào kèm theo.
Theo ông, hợp đồng kinh doanh, hợp đồng vay mượn giữa tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được pháp luật bảo hộ và việc lãi suất ghi trong đó giảm như thế nào là sự thỏa thuận của hai bên.
Chuyên gia này cũng nói thêm, để "lệnh" của Thống đốc hiệu quả, nên lập ra một số động lực khuyến khích các ngân hàng để họ tự hiểu rằng, đó là việc nên làm trong mối quan hệ sống còn với doanh nghiệp. Nếu các ngân hàng làm theo, Ngân hàng Nhà nước có thể đưa ra một vài khuyến khích nào đấy để họ chủ động thực hiện.
Riêng tại địa bàn TP HCM, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Nguyễn Hoàng Minh cho biết, tính đến thời điểm hiện nay, đã có 45% trên tổng dư nợ cũ đã được các nhà băng giảm về 15%. "Các ngân hàng thương mại TP HCM phấn đấu đến cuối tháng 7, tất cả những khoản vay cũ của doanh nghiệp đủ điều kiện theo quy định sẽ được giảm hết lãi suất về 15%", ông Minh nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét